Thursday, April 27, 2017

Nỗi lo của nước chủ nhà Worldcup 2018

Theo thông tin được công bố chính thức từ FIFA, Nga được chọn làm nước chủ nhà cho Worldcup 2018. Trong khi nhiều đội tuyển đang bước vào cuộc đua nước rút vòng loại World Cup 2018 thì chủ nhà Nga cũng đang phải đối mặt với một cuộc “chạy đua” khác về niềm tin, sự lãng phí...
Chuyện đăng cai World Cup 2018 của Nga khởi đầu theo cách không thể tệ hơn khi những tranh cãi về việc họ đã hối lộ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) để giành phiếu bầu rộ lên cách đây 3 năm, dẫn đến nỗi lo sợ phải “trả lại” quyền đăng cai. Mãi cách đây một năm, Nga mới được tân chủ tịch FIFA Gianni Infantino trấn an không có chuyện họ bị tước quyền đăng cai World Cup 2018.
Nhưng dù có như vậy, nước Nga cũng đang gặp vô vàn khó khăn trong công tác tổ chức giải đấu sẽ diễn ra vào mùa hè năm sau. Trong đó chỉ riêng kinh phí đã là một vấn đề khiến người dân Nga không hài lòng. Trong kế hoạch ban đầu khi mới giành được quyền đăng cai World Cup, theo kênh truyền hình RT (Nga), kinh phí họ dự tính khoảng 18 tỉ USD. Nhưng những khó khăn kinh tế của giai đoạn năm 2015 khiến Chính phủ Nga buộc lòng phải hạ mức kinh phí xuống hơn 50%, chỉ còn khoảng 8,2 tỉ USD.
Chuyện Nga không còn cung cấp những khoản ngân sách khổng lồ cho thể thao là điều sớm muộn, bởi trước đó họ đã có quá nhiều bài học về sự lãng phí. Olympic Sochi 2014 với hơn 50 tỉ USD được xem là kỳ đại hội thể thao lãng phí nhất trong lịch sử (kinh phí dự kiến ban đầu chỉ có... 12 tỉ USD).
Suốt một năm qua, người dân Nga đã phát nản với việc cứ liên tục nghe thông báo kinh phí dành cho World Cup 2018 được tăng thêm mỗi lần 2-3%. Sau nhiều lần “mặc cả”, tổng kinh phí cho World Cup 2018 đến nay đã được tăng lên thành 10,8 tỉ USD và có thể tiếp tục tăng nữa.

Tiền nhiều vẫn chưa chắc đảm bảo thành công, giới cầu thủ, CĐV bóng đá lo sợ World Cup 2018 sẽ xảy ra nhiều vấn đề xoay quanh an ninh và tình trạng phân biệt chủng tộc. CĐV Nga nổi tiếng về sự nổi loạn, điển hình nhất là cuộc “đại chiến” với CĐV Anh khiến hơn 100 người phải nhập viện hồi Euro 2016.
Phân biệt chủng tộc cũng là một nỗi lo khác. Nga là một trong những quốc gia xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc từ khán đài nhiều nhất châu Âu. Hulk, tiền đạo người Brazil từng chơi bóng ở Zenit trước khi chuyển sang Trung Quốc, mô tả anh luôn nhìn thấy sự phân biệt chủng tộc “trong mọi trận đấu”.
Theo một báo cáo từ Tổ chức Bóng đá chống lại sự phân biệt chủng tộc (FARE), số lượng vụ tai tiếng về sắc tộc ở Giải vô địch Nga lên đến 92 vụ trong mùa 2014-2015, tăng 9 vụ so với mùa trước đó. Chuyện phân biệt sắc tộc chắc chắn càng khiến nguy cơ của những vụ bạo loạn, xung đột giữa CĐV cao hơn.

0 comments:

Post a Comment